Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019 dự thảo sẽ có những thay đổi gì?
Năm 2019 sẽ là năm có nhiều sự sửa đổi, bổ sung của nhiều bộ luật khác nhau: Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật đất đai; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp,… trong đó, có Luật chứng khoán sửa đổi. Vậy dự kiến sẽ có những sửa đổi gì, cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
3 NỘI DUNG NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT TRONG LUẬT CHỨNG KHOÁN MỚI NHẤT
Kết thúc kỳ họp thứ năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua và duyệt kế hoạch sửa đổi Luật chứng khoán vào năm 2019. Luật chứng khoán sửa đổi sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019, được chính thức thông qua vào tháng 10/2019 tại kỳ họp thứ 8. Và theo các cuộc dự thảo thì Luật chứng khoán sẽ có một số điều thay đổi như sau:
Nhiều định nghĩa mở rộng
Luật chứng khoán sửa đổi sẽ có sự mở rộng về định nghĩa về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm:
- Công ty có vốn điều lệ đạt trên một nghìn tỷ đồng và có thời gian niêm yết trên Sở giao dịch tối thiểu là 2 năm.
- Cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán ít nhất là 2 năm. Đồng thời, cá nhân đó phải có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam mỗi tháng hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị ít nhất là 5 tỷ đồng trong 12 tháng.
Ngoài ra, trong định nghĩa từ “người biết tin nội bộ” sẽ được thay bằng “người nội bộ”, “cá nhân liên quan” sẽ được bổ sung thêm nhiều đối tượng: con rể, con dâu, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.
Định nghĩa được mở rộng
Chào bán cổ phiếu ra công chúng và riêng lẻ
Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đại chúng được nâng cao hơn, cụ thể:
- Vốn điều lệ 30 tỷ trở lên, tăng 20 tỷ so với con số 10 tỷ trước đây.
- Có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.
- Đồng thời, điều kiện có bổ sung thêm tiêu chí: các cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành ít nhất là 1 năm, tính từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Còn đối với doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần, Luật chứng khoán sửa đổi dự thảo năm 2019 cũng có thêm điều kiện. Đó là thời điểm chào bán phải cách thấp nhất 1 năm sau lần chào bán gần nhất, đợt chào bán được tính là thành công khi lượng cổ phiếu bán được tối thiểu 70% so với lượng dự kiến bán ra.
Hơn thế nữa, việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ cũng bị hạn chế về thời gian. Tối thiểu là 3 năm đối với những nhà đầu tư chiến lược và thấp nhất là 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tính từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu quỹ
Theo dự thảo của Luật chứng khoán sửa đổi thì công ty mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất. Với các doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ cần được sự thống nhất và thông qua của Đại hội đồng cổ đông. Còn riêng với doanh nghiệp đang có nợ quá hạn dựa trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán và đang trong quá trình chào bán cổ phiếu nhằm huy động thêm vốn thì không được mua cổ phiếu quỹ.
Giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu quỹ
Xóa giấy phép “2 trong 1”
Nhằm khắc phục sự phân tán cũng như việc thiếu thống nhất trong giải thể thủ tục thành lập doanh nghiệp, Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019 dự thảo sẽ xóa loại giấy phép “2 trong 1”. Tức là tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này không chỉ góp phần thống nhất thủ tục hành chính nhà nước mà còn bảo đảm các tổ chức kinh doanh chứng khoán có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Những dự thảo trên của Luật Chứng khoán sửa đổi được tiến hành trong năm 2019 với mục tiêu hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Đồng thời, chúng cũng đem tới niềm tin cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào thị trường này.